GĐ đối ngoại KS Sofitel Métropole Hà Nội- Nguyễn Đình Thành:

“Văn hóa chắp cánh cho kinh doanh”

“Chính khách tham gia nghệ thuật, doanh nhân làm thơ và viết văn… không phải là hiếm và mới đây, một giám đốc tham gia dịch một cuốn tiểu thuyết đầu tay. Đây không phải là chuyện mới. Người dịch cũng không nghĩ là nghề tay trái hay làm cho vui mà anh đã dành nhiều tâm huyết với những thích thú say mê đến quên cả mùa… hè. Dịch giả cuốn tiều thuyết Nửa kia của Hitler đã dành giải thưởng văn học dịch của Hội nhà văn Hà Nội 2008.” Đó là Giám đốc đối ngoại Khách sạn Sofitel Métropole Hà Nội- Nguyễn Đình Thành.

Đầu mùa đông, Hà Nội chớm lạnh. Cái lạnh se sẽ trên bờ môi thiếu nữ khiến cho người đẹp luôn tâm niệm và nhắc nhở phải giữ hình ảnh của mình. Khách sạn Sofitel Métropole Hà Nội là như vậy- một giai nhân kiêu sa trong lòng thành phố. Bên ngoài khách sạn là cà phê La Terrasse du Métropole nằm ngay góc phố Ngô Quyền và Lê Phụng Hiểu. Không gian như "Paris thu nhỏ” khiến thành phố đẹp hơn bởi chốn này”.

Xứng với danh tiếng  

Khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội có bao nhiêu giám đốc?

Tại ks hiện có hơn mười người có chức danh giám đốc và cao hơn, có thể kể ra một số bộ phận như giám đốc kinh doanh và tiếp thị, lưu trú, nhà hàng, kỹ thuật, nhân sự, tài chính…

Và công việc hiện anh đang làm tại khách sạn Sofitel Métropole Hà Nội? 

Hiện tôi đang làm giám đốc đối ngoại tại khách sạn Métropole Hà Nội. Công việc chính là đảm bảo thông tin từ khách sạn đến được với công chúng một cách thông suốt và giữ vững hình ảnh của một khách sạn trăm năm tuổi, nằm trong tốp khách sạn hàng đầu tại châu Á. 

Khách sạn Sofitel Métropole Hà Nội rất nổi tiếng, mỗi người khi được mời về làm thường có những tố chất kinh doanh cũng như tầm văn hóa. Với anh, ban lãnh đạo ở đây đã nhìn thấy ở anh những điểm gì nổi trội khiến họ phải mời? 

Cảm ơn anh. Tôi nghĩ đam mê công việc cộng với sự chuyên nghiệp là phẩm chất mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều trân trọng. 

“Anh theo học khóa quản trị văn hóa tại Đại học Paris Dauphine” (ĐH Paris 9).  Đây là cụm từ nghe khá lạ tai, ở VN lâu nay chỉ nghe quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp… Vậy quản trị văn hóa là gì thưa anh?

Hiện không có từ tương đương trong tiếng Việt nên tôi tạm dịch là quản trị văn hóa. Đây là chương trình thạc sỹ thiên về thực hành, chương trình học trải dài từ chính sách văn hóa, luật hành chính, tới quản trị festival, hãng phim, xuất bản hay luật bản quyền, hợp đồng, nhân sự… Nói chung là các kiến thức mà một nhà quản lý làm việc trong môi trường văn hóa cần biết. Giáo viên chỉ giảng lý thuyết một vài tiết còn lại, họ mời những người trong giới đến nói chuyện, giảng dạy.

Học thế thì cũng chỉ là học theo kiểu “bàn trà”?

Không hề, ví dụ như anh được giao tổ chức một festival, tất cả các khâu chuẩn bị, tính toán, kỹ thuật, hợp đồng, bảo hiểm, ăn ở cho các nghệ sỹ, các phương án bảo vệ,…đều phải được lên kế hoạch. Người duyệt kế hoạch của anh chính là giám đốc của festival mà anh đang lên kế hoạch trù bị. Người đó đã phải đối diện với các nhà đầu tư và tài trợ và khi anh trình bày kế hoạch của mình anh sẽ có cảm giác mình đang đứng trước một nhà đầu tư, tài trợ và nhà tổ chức. Cách học đó rất thực tế. Hoặc diễn giả có thể là một người làm việc cho trung tâm văn hóa Pháp tại Bắc Kinh đến để nói với anh về việc ông ta đã làm gì để phổ biến nhạc Pháp ở thành phố đó….

Cũng từ cách học trên anh đã có ít nhiều “bị” ảnh hưởng của người Pháp?

Thực ra khi bạn đã học và làm việc liên tục trong hơn mười năm bằng một thứ tiếng nước ngoài và tiếp xúc với người bản địa, dấu ấn của nền văn hóa những nước ấy sẽ ít nhiều hiện diện trong cách bạn suy nghĩ và ứng xử. Phẩm chất nổi trội ở nhiều người nước ngoài mà tôi đã tiếp xúc và làm việc cùng chính là tính chuyên nghiệp và sự cầu toàn.

Và ảnh hưởng đó trong anh có phải là cái “mở ngoặc” (chữ trong tiểu thuyết) để anh làm kinh doanh không?

Đi với bụt mặc cà sa…tôi rất thích câu nói ấy, trong kinh doanh, không chuyên nghiệp và cầu toàn bạn khó trụ lâu được.

Là phóng viên văn hóa nên tôi cũng hay qua L’Espace và đã nhìn thấy anh, cảm nhận của tôi, anh luôn có những “thảng thốt” nghệ sĩ không có tố chất kinh doanh. Vậy anh sang làm việc quản lý bên khách sạn tôi rất băn khoăn và tò mò liệu có phải anh đang mặc một cái áo quá rộng không?

Cảm ơn anh về nhận định hết sức tinh tế này. Tôi vốn được đào tạo để trở thành một phiên dịch hội nghị. Khi làm phiên dịch bạn nhận được inputs từ diễn giả, bạn có vài giây để xử lý thông tin và đưa ra quyết định. Đó là một nghề ‘‘nguy hiểm’’, nhiều áp lực nhưng thú vị. Kinh doanh, về bản chất cũng như vậy, nên tôi không gặp nhiều khó khăn khi chuyển sang kinh doanh. Đặc biệt sau khóa học quản trị tại Pháp.

Quan niệm của anh khi bắt tay vào lĩnh vực kinh doanh kinh tế của một người làm văn hóa bấy nay?

Văn hóa chắp cánh cho kinh doanh, kinh doanh thành công giúp văn hóa trọn vẹn hơn.

Pháp là quê hương của Lão hà tiện. Là người tiếp xúc nhiều với doanh nhân Pháp, anh có nhận thấy điều đó không hay đó chỉ là văn học?

Tôi nghĩ ai cũng biết rằng làm kinh doanh không biết tiết kiệm là tự sát. Tiết kiệm và hà tiện hoàn toàn khác nhau. Hà tiện thì không thể vui sống mà người Pháp nổi tiếng là những người biết thưởng thức cuộc sống. Người Pháp tự hào vì nghệ thuật thực sự của Pháp chính là nghệ thuật thưởng thức cuộc sống. Chẳng có mấy dân tộc một tuần làm việc 35 giờ, một năm nghỉ ít nhất một tháng, có dịp là ăn tối cả bốn năm tiếng trời bàn luận chuyện trên trời dưới bể.

Sau cuốn tiểu thuyết Nửa kia của Hitler, anh đã hiện hữu trong làng dịch thuật và bây giờ anh có cảm giác rằng mình “mới là, và có thể là, sẽ là…” (chữ của Heidegger) một cái gì đó không thưa anh?

Tôi đã là một phiên dịch, giáo viên dạy dịch, biên dịch. Tôi cảm thấy hạnh phúc trên con đường này và sẽ tiếp tục theo đuổi nó.

Kinh doanh và dịch sách mất khá nhiều thời gian. Anh dành cho gia đình khoảng thời gan nào? Anh có đưa vợ con đi du lịch vào những ngày cuối tuần không? Và đi đâu?

Tôi gần như kiệt sức sau mỗi ngày làm việc và mỗi tuần làm việc. Thời gian rảnh chỉ có thể loanh quanh ở Hà Nội, chở vợ con đi bảo tàng, mua sắm một chút và ngủ.

Thú vui của một người kinh doanh

Người làm kinh doanh không thể chỉ làm một công việc đơn thuần mà luôn phải giữ thăng bằng và sắp xếp thứ tự trong muôn vàn công việc cần được phải giải quyết một cách hợp lý. Khả năng làm nhiều việc giúp bồi đắp tư duy thoáng đạt cho mình, điều này cũng chính là điểm hấp dẫn và thú vị từ công việc kinh doanh với vô vàn thách thức. Năng lực cá nhân này sẽ chuyển hoá và phản ánh vào năng lực của doanh nghiệp ở nhiều góc nhìn khác nhau. Trong cuộc sống kinh doanh hiện đại, chỉ biết và cố gắng làm tốt một công việc dường như không còn đúng nữa, đặc biệt với các doanh nhân- nghệ sĩ.

Anh mất bao nhiêu thời gian để dịch cuốn tiểu thuyết này?

Cả thời gian dịch và biên tập mất khoảng mười tháng. Tôi dịch vào hàng tối từ 10 rưỡi đêm đến 12h. Cuối tuần, lễ tết tìm cớ ngồi ở nhà để dịch.

Đọc Nửa kia của Hitler, chỉ thấy rằng đây là nhân vật đáng thương bởi tuổi thơ không được người cha yêu thương, bước vào đời thì thất bại và anh ta phải gồng lên trong cuộc sống với hiện thực “khắc nghiệt” (miếng cơm, nhà trọ…) và cuối đời thì đành chọn một cái chết vì thất bại… Đây có phải là cuốn sách biện minh cho Hitler không?

Không hề, cuốn sách chỉ ra rằng kết cục của Hitler là do chính những sự lựa chọn của y mà ra. Nếu đổ cho số phận làm cho cuộc đời Hitler thê thảm như vậy thì mới có thể nói cuốn sách biện minh cho Hitler. Trong thực tế, cuốn sách khẳng định điều ngược lại. Nhiều người có tuổi thơ đáng thương, thất bại trong cuộc sống nhưng không phải ai cũng thành người xấu. Người đọc có thể thấy rằng nếu mình lúc nào cũng khăng khăng cho mình là đúng (như Hitler), nếu cứ nhồi vào đầu mình những ý nghĩ đen tối, những tình cảm tiêu cực thì rốt cuộc mình sẽ thành một cái ao tù nước đọng như Hitler. Chính Hitler đã chọn đi con đường ấy nên kết cục của y là như vậy.

Theo đó, cái mà được ấn định trong mỗi cuộc đời con người đó là nhận ra thiên hướng của mình, cái giá trị của mình để theo đuổi. Trong mỗi con người đều có Hitler, nhưng hoàn cảnh không giống Hitler, nên chỉ có một Hitler còn lại là chúng ta phải không anh?

Hitler không phải là biểu tượng của cái Ác, y chỉ là biểu hiện của cái Ác nên khó có thể nói trong mỗi con người đều có Hitler. Như cuốn sách đã nói : “Con người là gì? Con người được hình thành từ một loạt sự chọn lựa và hoàn cảnh. Không ai làm gì được hoàn cảnh, nhưng ai cũng có quyền chọn lựa’’. Cái làm nên Hitler không chỉ có hoàn cảnh.

Trong phần giới thiệu sách, anh đưa phần cảm tưởng của tác giả: “Kẻ thù lớn nhất của con người là chính mình. Con người cần phải cảnh giác với chính con người”. Xin anh giải thích hộ tôi về “kẻ thù” và “cảnh giác”?

Trong truyện có đoạn: đứa bé “hiểu rằng con quái vật không phải là một sinh vật khác nó, không thuộc về loài người, mà quái vật là một sinh vật như nó nhưng đưa ra những lựa chọn khác nó. Từ hôm ấy, đứa trẻ sợ chính mình, nó biết rằng nó đang sống chung với một con thú hung bạo và khát máu, nó mong giam con vật ấy trong lồng suốt cuộc đời’’. Điều này không mới, Đức Phật cũng dậy như vậy. Tuân Tử thậm chí đã nói ‘’nhân chi sơ tính bản Ác’’. Phân tâm học cũng nhắc đến phần tăm tối trong mỗi con người. Chính tiếng Việt ta cũng nói “con người” gồm “con” và “người”. Mỗi khi có ai làm điều Ác chúng ta lại nói “thú tính” trong người y hoặc thị đã trỗi dậy. Như vậy ai cũng có thể làm điều Ác nếu ta không cẩn thận với chính mình.

Và tôi tự hỏi rằng nếu cứ sống với một “kẻ thù” (chính mình) và sống trong cảnh giác (với chính con người) như thế thì quá mệt?

Người ta không bị bắt buộc phải nghĩ đến ‘’kẻ thù’’ và ‘’cảnh giác’’ 24/24, 7 ngày/7 (cười).

Và ý nghĩ của tôi

Thời gian đi làm phiên dịch cho các nghệ sĩ múa đương đại: Régine Chopinot, Ea Sola giúp anh có những hình dung mơ hồ về sức mạnh của văn hóa. Cho đến khi vào làm tại L’Espace, anh mới bắt đầu nạp cho mình những kiến thức nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại. Cùng với kinh nghiệm phiên dịch ở L’Espace đã mang lại cho anh cơ hội du học Pháp. Cùng thời gian đó, một người bạn Do Thái học cùng, cho anh cuốn La part de l’autre của Eric-Emmanuel Schmitt và nói với anh rằng: “Nó đã làm đảo lộn hết mọi ý nghĩ của tôi”.

Với Nửa kia của Hitler anh thấy mình thấm nhuần điều gì nhất từ tiểu thuyết này?

Không nên để những tình cảm tiêu cực chi phối mình bởi chúng làm mọi chuyện xấu đi. Thứ hai là, trong mỗi người đều có phần của mình và phần của kẻ khác (xã hội), nếu không để phần của kẻ khác vào mình và không chia sẻ phần của mình cho người khác, cuộc sống sẽ trở nên đen tối. Thực vật còn trao đổi với môi trường, không lẽ con người lại khép mình lại?

Và qua đây thấy rằng Hitler có cái tôi không?

Có chứ, cái tôi của Hitler quá lớn, như một cái bọc ung thư, hút hết dưỡng chất trong người hắn để rồi vỡ tung làm y chết. Nếu có thể so sánh thì Hitler bị ung thư tâm hồn.

Có giai đoạn nào đấy trong cuộc đời anh,, anh thấy mình giống Hitler trong tiểu thuyết?

So sánh ai đó với Hitler là chuyện không nên làm. Có rất nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống và đã cố gắng vươn lên để thành công, có thành công được ca tụng, có thành công bị phỉ nhổ vì đã chống lại lợi ích của cộng đồng, chống lại loài người, của thiên nhiên.

Kinh doanh là gắn với hóa đơn lợi nhuận, dịch sách gắn với câu chữ và mơ mộng, dường như 2 lĩnh vực này mâu thuẫn hoàn toàn ngược với nhau? Anh có thấy như vậy không?

Không hẳn vậy. Để kinh doanh, người ta ta chạm, tiếp xúc nhiều và phải ra quyết định sau khi đã đàm phán, tính đến nhiều phương án, thỏa hiệp hoặc căng thẳng. Với tôi, kinh nghiệm trong kinh doanh giúp việc dịch sách trở nên hiệu quả hơn, tính tổ chức cao hơn.

Trong thời gian tới, anh sẽ gắn bó với kinh doanh lâu hơn hay sẽ chuyển sang dịch thuật?

Tôi sẽ làm cả hai chừng nào còn có thể.

Tiếp xúc với văn hóa và xã hội Pháp, anh sẽ có cái nhìn và cách nhìn khác hẳn với những người không được đi ra nước ngoài. Theo anh muốn giới thiệu hình ảnh VN chúng ta cần làm gì?

Tôi chỉ nhận xét ở vị trí một cá nhân. Ở Việt Nam, chưa bao giờ người ta không quan tâm đến văn hóa. Chưa bao giờ các định chế, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp văn hóa lại nhiều đến thế. Các chương trình, hoạt động văn hóa được tổ chức  càng ngày càng nhiều, địa bàn ngày càng rộng. Sự phát triển của Internet, truyền hình và thậm chí cả báo giấy càng làm cho văn hóa được phổ biến nhanh hơn rộng hơn. Dấu chấm hỏi được đặt cho nhận định: liệu sự phát triển ấy có sâu hơn, thực chất hơn? Tôi không có câu trả lời. Những tranh luận về văn hóa có chiều sâu có nhiều hơn trong những diễn đàn nhỏ lẻ trên mạng. Văn hóa pop, văn hóa sến tràn lan và nhiều khi bị đánh đồng với văn hóa cao cấp. Ở ngoài nước, chúng ta mới chỉ được biết đến như một đất nước giỏi trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, mỹ thuật đương đại, múa đương đại và thậm chí cả văn học đương đại của chúng ta đang có một chỗ đứng chênh vênh trên bản đồ nghệ thuật thế giới và khu vực. Nếu muốn phát triển hình ảnh một Việt Nam năng động, cần đầu tư nhiều hơn vào nghệ thuật đương đại. Chỉ trông chờ vào nhà nước thì không nên và không đủ. Phải có sự tham gia của các doanh nghiệp và doanh nhân. Bảo trợ văn hóa chính là điểm nhấn tạo sức bật cho nghệ thuật Việt Nam đương đại. 

Xin cảm ơn anh! 

BOX

BOX 1: Hàng năm, tạp chí Business Traveller Asia Pacific là một trong những tạp chí du lịch dành cho doanh nhân có uy tín nhất tại châu Á – Thái Bình Dương mở cuộc trưng cầu ý kiến độc giả trên toàn thế giới nhằm lựa chọn ra những thương hiệu khách sạn, các hãng hàng không tốt nhất trong khu vực, như một lời gợi ý dành cho các thương gia trước mỗi chuyến đi. Và vừa qua, Sofitel Metropole Hà Nội một lần nữa được vinh danh “Khách sạn dành cho thương gia tốt nhất Hà Nội năm 2008”. Đây là lần vinh danh thứ 8 của khách sạn này.

BOX 2: Tôi muốn dịch một cuốn sách nữa của tác giảEric-Emmanuel Schmitt là cuốn Oscar và bà áo hồng nhưng không có thời gian. Trong hè vừa rồi, thay vì đi nghỉ thì tôi đã ở nhà dịch hai vở kịch của Eric-Emmanuel Schmitt mà tôi rất thích. Schmitt là tác giả kịch nổi tiếng ở Pháp và Bỉ, tôi cũng đang liên hệ với một số nhà hát để giới thiệu với họ. Tôi cũng ưu tiên việc đọc sách bằng tiếng Anh. Gần đây có gặp một vở kịch do chị Chiều Xuân giới thiệu, thấy nó tuyệt quá tôi đã nhận lời dịch với chị. Đây là một vở bi hài kịch hiện đại rất tuyệt vời. Nó hấp dẫn và khá phù hợp với văn hóa của người Việt Nam. Tôi sẽ cố gắng để vở kịch có thể ra mắt trong thời gian sớm nhất (Theo phongdiep.net).

Nhật Ninh thực hiện

Bài 3.141 chữ

Chú thích ảnh: